Cần chú ý khi mang song thai

Song thai là trường hợp đặc biệt của thai nghén và được cho là thai nghén có nguy cơ cao hơn gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Bên cạnh những bệnh lý chung trong khi mang thai, người mẹ mang song thai còn có thể gặp một số bệnh lý đặc biệt như chuyển dạ khó và sinh non, nhiễm độc thai nghén, hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau, tiền sản giật và tăng huyết áp… Do tính chất đặc biệt của thai nghén cũng như nguy cơ của nó khi mang song thai, việc khám thai và theo dõi trước sinh giữ vai trò rất quan trọng. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau

Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau gây nguy hiểm cho thai nhi nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ. Do có bất thường ở những mạch máu trong bánh nhau dẫn đến sự cung cấp máu không đều cho mỗi thai nhi. Ngoài ra, còn có thể do trong tiến trình phát triển của thai nghén, dây rốn của 2 thai xoắn vào nhau và gây chèn ép, làm giảm đi lưu lượng máu mang ôxy và chất dinh dưỡng đến một thai khiến thai không thể phát triển bình thường như thai kia; hoặc phần bánh nhau dành cho mỗi thai to nhỏ khác nhau cho nên mỗi thai nhận máu không đồng đều.song thai

Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau trong tiến trình phát triển của thai nghén, dây rốn của 2 thai xoắn vào nhau gây chèn ép, làm giảm lưu lượng máu mang ôxy và chất dinh dưỡng đến một thai, khiến 2 thai phát triển không cân đối.

Thời gian xảy ra sự truyền máu: sớm là trước 20 tuần và muộn nhất là sau 30 tuần. Còn thông thường xảy ra vào khoảng 24-27 tuần. Thông thường, người mẹ được thăm khám và chẩn đoán theo dõi tại các cơ sở y tế. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào siêu âm, 2 thai phát triển không cân đối. Tiến triển rất xấu nếu hội chứng truyền máu xuất hiện trước 28 tuần. Hậu quả cuối cùng của hội chứng truyền máu: Đẻ non do đa ối.

Chuyển dạ sớm và sinh non

Các bác sĩ sản khoa theo dõi hội chứng truyền máu (siêu âm và tiên lượng diễn biến của hội chứng xảy ra) để có thể phải đề nghị mổ lấy thai khẩn cấp (sinh sớm so với tuổi thai) để cứu cháu bé. Do đó, những người mẹ mang song thai dễ tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non. Tỷ lệ chuyển dạ sớm cao gấp 2 lần so với những người mẹ mang một thai. Trọng lượng trẻ song thai thường nhẹ cân và phần lớn là non tháng cho nên chăm sóc trẻ sơ sinh chào đời của song thai phải được thực hiện tại cơ sở y tế và phải hết sức khẩn trương tránh bị hạ nhiệt độ do thai nhỏ (thiếu tháng, nhẹ cân). Những tiến bộ về công nghệ y học có thể hỗ trợ trẻ sinh non từ những ngày đầu tại cơ sở y tế.

Nhiễm độc thai nghén

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc thai nghén, song có thể là do cơ thể người mẹ mang song thai không thích ứng gánh nặng của thai nghén gây cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng trong cơ thể. Dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén là phù chân, nhất là những tháng cuối của thai kỳ. Nếu ấn ngón tay vào mắt cá chân rồi nhấc ra sẽ thấy xuất hiện dấu lõm của các ngón tay. Với những trường hợp phù nặng có thể gây phù toàn thân. Ngoài phù chân, người mẹ bị nhiễm độc thai nghén còn có hiện tượng tăng cân rất nhanh do cơ thể bị giữ nước. Với những thai phụ mang song thai được xác định là nhiễm độc thai nghén, cần được khám và điều trị kịp thời. Điều này giúp thai phụ tránh những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tiền sản giật và sản giật, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Chuyển dạ của song thai

Song thai được gọi là một ca đẻ khó. Chuyển dạ của song thai thường kéo dài do tử cung quá to cho nên cơn co tử cung rất yếu, không có tác dụng làm mở cổ tử cung dẫn đến cổ tử cung mở chậm và chuyển dạ kéo dài khiến người mẹ mệt mỏi và có nhiều biến cố có thể xảy ra; hoặc do ngôi thai bất thường. Do nước ối nhiều, tử cung lại to hơn bình thường, thai thường nhỏ cho nên hay gặp ngôi thai bất thường như ngôi ngược, ngôi ngang hoặc 2 ngôi đầu chèn vào nhau không chúc vào tiểu khung... gây đẻ khó và cũng là yếu tố gây ra chuyển dạ kéo dài làm tăng nguy cơ cho thai và nguy cơ cho mẹ. Do đó, chỉ định mổ lấy thai - “đẻ can thiệp” trong song thai có xu hướng tăng cao; chưa kể mổ đẻ khi người mẹ mang song thai có nhiễm độc thai nghén hoặc một số biến chứng của song thai.

Và một số nguy cơ khác

Huyết áp là vấn đề gây phiền muộn với nhiều người mẹ mang song thai. Tăng huyết áp trong mang thai khi trị số huyết áp cao hơn 140/90, vì vậy, huyết áp cần được kiểm tra thường xuyên trong thai kỳ. Tăng huyết áp là một phần của tiền sản giật và thường kèm với nồng độ protein cao trong nước tiểu. Cứ 3 phụ nữ mang song thai thì có 1 người bị tiền sản giật, do đó cần được theo dõi sát vì dễ bị biến chứng nặng như suy thận, co giật...Bệnh tiểu đường phát triển ở người mẹ mang song thai tăng lên do tăng hormon vì có hơn một thai. Phụ nữ mang song thai có thể do tăng gánh nặng sinh lý dễ bị suy tim cấp, phù phổi cấp...

ThS. Lê Thị Hương

Phòng ngừa `nứt cổ gà` khi cho con bú

BS Thu Lan

Cho con bú đúng cách sẽ phòng tránh được bệnh “nứt cổ gà”. Ảnh: tư liệu
"Nứt cổ gà" là hiện tượng thường gặp ở vú của những bà mẹ đang cho con bú. Phần gần núm vú bị nứt ra một hoặc hai vết, tấy đỏ, đau nhức, thậm chí mưng mủ. Vì không thể cho con bú nên sữa ứ đọng ở hai bầu vú gây đau nhức khó chịu.

Nguyên nhân gây "nứt cổ gà"

Nguyên nhân chủ yếu là do bà mẹ cho bé bú không đúng cách: Bé không ngậm hết quầng vú mà chỉ mớm hời hợt vào núm vú, mỗi lần bé mút, núm vú bị kéo, giật mạnh, lâu ngày gây "nứt cổ gà". Mới đầu chỉ là một vết nứt nhỏ, nếu bà mẹ không chữa trị kịp thời, vết nứt sẽ lan dài quanh chân núm vú, gây đau đớn cho mẹ, và mất vệ sinh cho bé. Trầm trọng hơn, vết nứt có thể bị nhiễm trùng và mưng mủ. Trước tiên cần rửa sạch chỗ đau bằng nước muối loãng (nước ấm càng tốt). Sau đó lau khô và bôi thuốc. Một khi núm vú đã bị nứt, bạn nên khám và điều trị ngay và hạn chế cho bé bú kẻo vết thương ngày càng đứt rộng. Để tiếp tục duy trì nguồn sữa trong khi điều trị, bạn hãy vắt sữa thường xuyên vào đúng các cữ bú của bé và tiếp tục cho bé dùng sữa mẹ. Chỉ đến khi thực sự khỏi (vết thương đã kín miệng và lên da non) bạn mới nên cho bé bú lại và chú ý cho bú đúng cách.

Phòng "nứt cổ gà" như thế nào?

Cho con bú đúng cách, nếu em bé ngậm đầu vú đúng cách thì sẽ bú được nhiều sữa và không làm đau núm vú của mẹ. Bạn hãy kéo bé về phía ngực mình, và kích thích bé bằng cách dùng đầu vú cù vào môi dưới của bé. Bé sẽ há mồm như đang ngáp, lúc này mẹ phải kéo nhanh bé vào ngực mình, quan trọng là kéo bé về phía bầu vú chứ không phải là đưa bầu vú vào miệng của bé. Làm sao để:

- Bé ngậm vú tốt, dễ dàng. Miệng của bé mở rộng để ngậm toàn bộ phần quầng vú và đầu vú

- Lưng, tay và cả chân của mẹ phải có chỗ tựa chắc chắn.

- Cổ của bé cần phải duỗi thẳng hơi ngửa ra phía sau một chút. Người của bé áp sát vào người của mẹ (bụng tiếp xúc với bụng của mẹ). Đầu, vai, và người của bé phải làm thành một đường thẳng, bé có thể ngậm vú dễ dàng mà không cần phải ưỡn hoặc vặn người.

Núm vú không đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Bạn chỉ cần nhớ tráng nước sạch sau mỗi lần tắm là đủ. Tránh để da bị khô, bị nẻ, chú ý không bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch tiệt khuẩn trên vùng vú, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm vú. Càng hạn chế mặc áo lót càng tốt. Điều này rất quan trọng vì núm vú được tiếp xúc với không khí, hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn.

Ngăn ngừa bệnh phụ khoa

Nếu như trước đây, đối tượng mắc bệnh phụ khoa chủ yếu là các phụ nữ đã có gia đình, thì nay tỷ lệ này đang gia tăng ở các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục.

 

Ngay cả khi có những biểu hiện như: Ra nhiều khí hư bất thường, ngứa, rát âm hộ; khí hư có mùi hôi, màu sắc khác thường thì chỉ có một số bạn gái đi khám hoặc hỏi ý kiến mẹ hoặc chị gái, còn đa phần các em chỉ rửa bằng nước sạch, một số còn dùng xà bông để rửa vùng kín, một số lại tự thụt rửa sâu âm đạo khi không có chỉ định của thầy thuốc. .. Đó chính là nguyên nhân gây bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở các em gái chưa quan hệ tình dục.

Hậu quả của bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Chứng viêm nhiễm đường sinh dục có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, gây xáo trộn trong sinh hoạt cá nhân, với cảm giác nóng rát, khó chịu. Một số trường hợp do điều trị muộn hoặc không đúng cách sẽ để lại di chứng như: teo hẹp vòi trứng, gây vô sinh ... Với người đang mang thai có thể dẫn đến sẩy thai hoặc đẻ non.

Phòng và điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Khác với các phụ nữ, việc điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở những bạn gái chưa từng quan hệ tình dục thường gặp khó khăn trong việc đặt thuốc âm đạo, cũng như các thủ thuật khác. Bên cạnh đó, do tâm lý e ngại nên nhiều bạn gái không đi khám mà thường tự điều trị dẫn đến tình trạng viêm nhiễm càng nặng và dễ chuyển sang mạn tính. Do vậy khi gặp các dấu hiệu như: Ra nhiều khí hư bất thường; Ngứa, đau rát, có mụn lở loét ở vùng âm hộ - âm đạo... các bạn gái nên đến đi khám tại các cơ sở y tế.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm rửa phụ khoa, tuy nhiên các bạn gái nên đọc kỹ thành phần, tác dụng để lựa chọn cho mình một sản phẩm có thành phần tự nhiên an toàn, phù hợp.

a

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Vy, Chủ tịch hội Sản phụ khoa & Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam: "Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh vùng kín là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh viêm nhiễm phụ khoa".

- Tắm rửa thường xuyên (nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt), vệ sinh âm hộ hàng ngày, lau khô bằng khăn sạch.

- Luôn luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch, không sử dụng những dụng cụ, khăn, vật lạ đưa vào trong âm đạo để lau âm đạo, âm hộ vì bất cứ lý do nào.

- Tránh mặc quần chật, quần ẩm ướt, không nên mặc đồ lót bó sát, nên mặc quần lót chất liệu cotton, thay quần lót thường xuyên.

- Băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng qui định 4-6 giờ phải thay một lần.

- Không nên dùng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật, nước thải như nước ao hồ, kênh rạch để tắm rửa.

- Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh, chất kháng khuẩn để vệ sinh vùng kín.

- Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.

a

Hà Anh

(Hà Anh)